Cắm trại mùa Thu trên dãy Cerces

Sau một tuần làm việc căng thẳng và một ca trực dài ở bệnh viện, 5 giờ sáng thứ Bảy tôi cùng nhóm bạn nhảy lên chuyến tàu sớm đầu tiên rời khỏi Paris khi trời còn đang tối đen. Tuy mắt lim dim ngủ sau đêm ngủ ngắn nhưng vẫn không nhịn được mà hé ra ngắm bình minh đỏ rực xua tan dần màn sương, báo hiệu một ngày mùa Thu đẹp rực rỡ chờ đón chúng tôi phía trước!

Thông tin tổng quát về cung đường cắm trại ở hồ Cerces vào mùa Thu:

Thời điểm chuyến đi: 09-10/10/2021

Điểm xuất phát: Parking du Plan Lachat (tại đây)

Quãng đường: khoảng 12km cả vòng

Độ chênh cao: + 600m

Điểm cắm trại : Hồ Cerces (có thể cắm trại ở khu hồ Grand Ban)

Cung đường đi và về thành vòng khép kín

Thung lũng miền cỏ cháy

Mất khoảng 3 giờ để đi từ Paris Gare de Lyon đến Chambéry – thành phố được bao quanh bởi các ngọn núi trập trùng mờ sương, từ đây, sau khi lấy xe đã thuê trước, còn phải lái xe thêm 2 giờ nữa mới đến điểm bắt đầu cuộc hành trình leo núi mùa Thu của chúng tôi. Tuy không dành nhiều thời gian ở Chambéry, nhưng sau nhiều lần đi tàu từ Paris đến và xuất phát từ đây, chúng tôi đã tìm được một tiệm bánh rất ngon để mua đồ ăn bữa sáng hoặc bữa trưa đơn giản mang theo. Tiệm bánh nhỏ xinh Hexagone nằm cách nhà ga chỉ khoảng 10 phút đi bộ, và phục vụ các loại bánh viennoiseries đặc trưng của Pháp cũng như các loại bánh mì đầy hấp dẫn.

Chuyến đi lần này chúng tôi đến dãy núi Cerces-Thabor, nằm ở La Maurienne, phía Nam vùng Savoie trải dài từ Aiguebelette đến đỉnh đồi Iseran. Đây cũng là nơi tiếp giáp của Pháp và Ý, thuộc vùng núi lớn của dãy Alpes.

[Ở Pháp, trong khu vực các dãy núi nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên thế này, bạn không được quyền “camping” – nghĩa là dựng trại nhiều ngày ở một địa điểm, tuy nhiên bạn vẫn có thể “bivouac” – dựng lều một đêm một tiếng trước khi mặt trời lặn và dỡ lều một tiếng sau khi mặt trời mọc vào buổi sáng. Chỗ dựng lều cũng phải cách con đường xe ô tô có thể đi lại ít nhất 1 giờ đi bộ. Bạn cũng không được hái bất cứ loài thực vật nào để mang theo về nhà (còn nếu hái một ít quả việt quất mọc vô vàn để nhấm nháp dọc đường thì thoải mái), không được nhặt bất cứ một viên sỏi, đá nào, cũng không được đốt lửa trại và tất nhiên phải mang theo tất cả rác thải xuống núi.]

Có lẽ vì những điều kiện khá khắt khe như vậy nên dù là nơi nổi tiếng thu hút nhiều dân mê leo núi, nhưng các vùng núi của Pháp, và đặc biệt là dãy núi Alpes vẫn khá hoang sơ và ít bị tác động của con người. Mùa Hè thường là mùa lý tưởng để leo núi và cắm trại thiên nhiên bởi thời tiết đẹp, ít khả năng mưa và cũng bớt khắc nghiệt lạnh giá về đêm. Nhưng nếu có dịp lên núi mùa Thu, vào những hôm nắng đẹp hay kể cả ngày âm u, bầu trời phủ đầy những cụm mây xám, bạn vẫn sẽ ngẩn ngơ trước cảnh sắc đầy ấn tượng khi ngọn núi khoác lên mình tấm áo mới vàng cam rực rỡ.

Sau khi ăn trưa nhanh với đồ ăn đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi bắt đầu leo những bước đầu tiên đầy khó nhọc. Cung đường này không khó, độ chênh cao cũng không lớn, nhưng với 15kg vác trên vai gồm đồ ăn, nước uống, dụng cụ để cắm trại, cộng với độ cao từ điểm xuất phát đã là 2.000m, không khí loãng hơn cũng làm chúng tôi nhanh thở dốc và bước chân nặng nề hơn. Khi leo núi, những bước đầu tiên vẫn luôn là lúc cần phải vượt qua chính mình nhất, sau đó khi đã quen với nhịp bước, bạn sẽ bớt cảm thấy hụt hơi đi nhiều. Hơn nữa, thời tiết quá nuông chiều chúng tôi, ánh nắng vàng rắc xuống cả dải núi những tia óng ánh, khung cảnh đẹp đến nỗi chúng tôi tạm quên sức nặng của chiếc ba lô đang đeo, đôi chân như được thúc giục nhanh rảo bước.

Càng đi sâu vào trong hẻm núi và càng lên cao, những ngọn núi hiện lên sừng sững sau những triền đồi vàng óng. Từ những khe núi hẹp, những con suối chảy hiền hoà, rồi khi gặp bờ đá dốc bỗng đổ ào xuống thành ngọn thác trắng xoá. Con đường rộng giờ đã thành lối mòn, hai bên phủ đầy những bụi cây việt quất chuyển màu đỏ rực. Thi thoảng chúng tôi dừng lại mót được một vốc những quả việt quất còn sót lại, nhỏ xíu, vị nhàn nhạt nhưng thơm nức, tan mềm nơi đầu lưỡi và nhuộm tím những đầu ngón tay.

Vượt qua một đoạn đường rất dốc, ngọn núi phủ tuyết phía xa bắt đầu gần lại, cảm giác như chỉ còn vài bước nữa là tới, trước mắt chúng tôi bỗng mở ra một thung lũng nhỏ bằng phẳng. Cả một miền cỏ vàng nâu nhiều sắc độ trải rộng ra ngay phía trước, lối mòn lắt léo dường như cũng biến mất đâu đó, bước chân chúng tôi băng qua những cụm cỏ khô cháy, lạo xạo, thầm thì, êm êm.

Và cũng đầy bất ngờ, mặt hồ hiện ra trong một lòng chảo trũng với xanh thẫm gợn sóng lăn tăn, những bụi lau xào xạc bên bờ nước. Tương phản với thảm cỏ vàng ấm ruộm dập dìu theo gió, tạo cảm giác êm mềm như những tấm nệm, là những đỉnh núi xa xôi màu xám thẫm, sắc nhọn lạnh lùng.

Ở độ cao 2.410m trên mặt nước biển, cũng như hầu hết các hồ trên núi, hồ Cerces là do băng tan trên các đỉnh núi tuyết bao quanh chảy xuống mà tạo thành. Vào mùa Hè bạn hoàn toàn có thể tắm ở hồ này vì hai bên bờ hồ khá thoải.

Đêm Trại mùa Thu

Sau khi đính hôn từ mùa Xuân, chờ mãi chưa đến ngày mọi thứ ổn định để đón gia đình bạn bè sang tổ chức đám cưới, tôi bỗng có ý tưởng chụp hình cưới vào chuyến leo núi dài ngày mùa Hè vừa rồi. Và chuyến đi mùa Thu này chúng tôi lại tiếp tục ý tưởng khá vui này. Chúng tôi nắm tay nhau, vô cùng nhỏ bé chạy giữa thiên nhiên hùng vĩ, mặc kệ cơn nắng bỏng trên gò má, mặc kệ gió rát đang thổi rối tung đầu tóc, kệ cả diềm váy đang ướt đẫm bởi nền cỏ ướt ven hồ, nụ cười vẫn bừng lên không ngơi nghỉ, giao động liên hồi từ ánh cười hạnh phúc dành cho nhau sang những tràng cười nắc nẻ khi nghe đám bạn chỉ đạo diễn xuất léo nhéo bên ngoài.

Xong màn chụp ảnh cưới đầy lộn xộn và náo nhiệt, lúc này bầu trời trong vắt đã dần gợn mây, chúng tôi bắt đầu tìm chỗ hạ trại quanh bờ hồ. Hồ Cerces khá rộng, tuy vốn là địa điểm cắm trại lý tưởng nhưng vào mùa này lại rất vắng vẻ. Đêm hôm đó chỉ có năm người chúng tôi ở lại. Những trảng cỏ quanh hồ nhìn từ xa có vẻ rất êm nhưng hoá ra lại ướt nhẹp, khi bước lên rồi mới thấy như một tấm nệm dày trên mặt nước bồng bềnh bên dưới. Thế nên chúng tôi vòng sang bên phải của hồ Cerces, di chuyển lên cao hơn, vừa phải tìm một khoảng đất ở trên cao mà kín gió, lại tránh vạt núi có khả năng có đá lở, và còn phải bằng phẳng nữa. Loanh quanh mãi chúng tôi cũng chọn được nơi phù hợp và bắt đầu hạ trại, nhìn qua bên kia mặt hồ thì là vừa vặn đối diện với đoạn đường đến hồ lúc trước.

Mùa Thu trời tối sớm, và một khi nắng tắt thì chênh lệch nhiệt độ với ban ngày ở trên núi rất lớn. Chúng tôi vừa dựng xong lều là trời bắt đầu sập tối, mây sương sà xuống che kín dần các đỉnh núi bao quanh. Chúng tôi chuẩn bị bữa tối bằng những ngón tay lạnh buốt lóng ngóng, đương nhiên là lo nơm nớp nếu làm đổ đồ ăn thì chỉ có thể nhịn đói. Vì đang ở trong khu bảo tồn thiên nhiên nên chúng tôi không đốt lửa trại, nhiệt độ bên ngoài cũng đã xuống khá thấp, nên chúng tôi chui tọt vào lều ngay khi ăn xong. Các kế hoạch lập sới chơi bài, chém gió, ngắm sao khuya bàn với nhau từ trước đều không ai bảo ai tự giải tán hết, tuyệt nhiên không thấy thành viên nào trong nhóm đả động đến nữa! =))

Đêm đó có lẽ là đêm dài nhất trong kinh nghiệm cắm trại trên núi của tôi. Dài về cả nghĩa đen khi trời tối sớm và mặt trời lên muộn, và dài cả trong ý nghĩ của chúng tôi nữa khi nhiệt độ bên ngoài xuống đến -7 độ C. Không khí như đóng băng đặc quánh, chúng tôi nằm kín mít trong chiếc túi ngủ, rủ rỉ tâm sự đủ thứ chuyện trên đời rồi cứ thế chầm chậm chìm vào giấc ngủ. Thực ra trên núi yên lặng vô cùng, và lều thì đương nhiên chẳng cách âm tẹo nào, nên dù nhà nào vào lều nhà nấy nhưng nói gì thì cả hội đều nghe thấy cả, thành ra hoạt động chém gió tâm sự tuổi hồng cuối cùng cũng vẫn diễn ra được một lúc.

Sau nhiều giấc ngủ ngắn chập chờn, cuối cùng khi mở mắt ra tôi cũng thấy ánh sáng ửng lên sau lớp vải lều. Khó khăn nhổm dậy với các khớp xương mỏi nhừ, tôi lục đục hô hào gọi mọi người thức giấc. Và khi cánh cửa lều được mở hé ra, tất cả những tiếng í ới im bặt, chúng tôi thinh lặng trước ánh bình mình đang nhuộm đỏ rực cả dãy núi nhọn sắc phủ tuyết đầu mùa, in lên mặt hồ lấp loá. Cứ im lặng như thế, hơn bao giờ hết, chúng tôi cảm nhận được sự đối lập của nét rực rỡ thiết tha, yên bình ấm áp và sự trắc trở khắc nghiệt của thiên nhiên hoang dã.

Bữa sáng trên thảm cỏ phủ đầy sương giá của chúng tôi còn lóng ngóng hơn bữa tối qua rất nhiều, nhưng thi vị hơn hẳn với khung cảnh mặt trời lên. Những ngọn núi dần hiện lên sau những bờ sương mây đang tan, dưới hồ có đàn vịt trời vỗ cánh oàm oạp, chắc là đang giành nhau dăm con cá. Chờ mãi mặt trời không lên qua ngọn núi sau lưng, chúng tôi đành phải di chuyển ra chỗ có nắng để phơi vỏ lều đã đóng băng đầy sương giá ướt lướt thướt vào ban đêm rồi mới có thể gấp lều lại.

Sau khi cả lều và người được sưởi nắng để làm ấm lên và nạp lại năng lượng, chúng tôi lên đường leo lên khu hồ tiếp theo. Mỗi bước đi lại lừng khừng ngoảnh lại phía sau để ngắm mặt hồ dưới nắng xanh và trong vắt. Vì lên độ cao cao hơn, chúng tôi cũng di chuyển chậm chạp hơn do phải đi qua một quãng đường khá trơn trượt có đôi chỗ tuyết phủ.

Mặt hồ Grand Ban hiện ra tương phản trên nền đá cuội xám, màu xanh ngọc đục mờ như không thật. Hồ Grand Ban ở độ cao 2.460m, mùa Thu hồ đang ở mức cạn nhất nên lộ ra bãi đá bao quanh. Vào mùa Xuân khi tuyết tan, nước hồ có thể dâng cao lên đến sát mép cỏ. Chúng tôi nhìn thấy chiếc hồ tiếp theo màu xanh thẫm chỉ sau khi đi thêm vài bước nữa.

Ngồi xuống nghỉ ngơi, pha một chút cà phê và nhâm nhi túi granola để có thêm năng lượng. Hạt cà phê chúng tôi xay ngay trước khi khởi hành để giảm thiểu không phải mang theo cái máy xay nặng trịch, dụng cụ pha là aeropress thường được ưu tiên bởi nó gọn và nhẹ, lại làm bằng nhựa nên không lo hỏng do va đập. Ở nhà thì team mê cà phê như tôi khó tính lắm, nhưng thực sự lên núi lần nào uống cà phê cũng ngon bất ngờ, Mr. M phân tích là có thể vì cảnh đẹp, vì không khí tâm trạng thật dễ chịu, vì ở độ cao trên núi áp suất thấp hơn do đó nhiệt độ nước kiểm soát được tốt hơn không bị nóng quá, còn tôi thì nghĩ chắc chẳng phức tạp đến thế, đói ăn đói uống mấy bữa thì giờ cho gì chả thấy ngon!

Từ hồ Grand Ban, chuỗi hồ nằm ở phía ngược lại với cung đường đi xuống núi nên chúng tôi để lại túi đồ nặng trĩu trên một mỏm đá rồi đi tiếp về phía chiếc hồ thứ ba được che khuất sau chỏm núi – hồ Rond (hồ Tròn) bên bãi đá gồ ghề lộn xộn vỡ ra từ những mảng núi lớn rơi xuống.

Thời gian không còn nhiều nên chỉ vừa kịp đến chiếc hồ cuối cùng trong dãy hồ này là chúng tôi mau chóng quay lại, tiếp tục khoác ba lô lên lưng và bắt đầu xuống núi để kịp chuyến tàu khuya quay lại Paris.

Con đường xuống núi đi qua những khung cảnh cằn khô hơn, với những vách núi trẻ xẻ dọc bên bờ đá lở, cảm tưởng như đang đi thám hiểm trên mặt Trăng. Tầm mắt được phóng xa tít tắp, những mảng núi xếp từng lớp trùng điệp. Dưới dãy núi đá sừng sững còn có khu doanh trại quân đội Rochilles, tuỳ vào mỗi đợt mà bạn có thể thấy cả từng chiếc xe chuyên dụng và các anh lính trông cực kỳ ngầu lòi đang thực hiện nhiệm vụ quanh đó.

Chẳng mấy chốc những tia nắng mặt trời cuối ngày bỗng sáng oà lên, chiếu qua những khe núi làm cho các dãy núi đằng xa phút chốc trở nên mờ ảo nhạt nhoà. Và con suối từ những mảng băng tan chảy từ tít trên đỉnh núi cao xuống, uốn lượn ngoằn nghèo lấp lánh trong ánh sáng nhuộm vàng cả miền thung lũng nhỏ.

Cứ sau mỗi chuyến đi như thế, cơ thể chúng tôi rã rời, ê ẩm, vai lưng mỏi nhừ và đôi chân sưng lên đau nhức, nhưng ánh mắt chúng tôi nhìn nhau lại luôn lấp lánh ngập tràn niềm vui. Chúng tôi trở về lại công việc và cuộc sống bề bộn thường ngày với một tâm hồn được ngơi nghỉ và những niềm hứng khởi tràn đầy hơn bao giờ hết.

Vật dụng cần mang theo khi cắm trại trên núi vào mùa thu: (Đây là danh sách những món đồ tối thiểu đối với mình, dành cho chuyến đi này, ngoài ra tuỳ vào sở thích, thời điểm trong năm, vào điều kiện thời tiết… mà có thể thay đổi)

  • Túi ngủ loại nhiệt độ comfort -10 độ C.
  • Nệm ngủ loại có chỉ số R value dành cho mùa Thu.
  • Chăn bạc giữ nhiệt cứu sinh (dùng để lót dưới nệm ngủ để tăng khả năng cách nhiệt với nền đất lạnh).
  • 1 bộ quần áo và 1 đôi tất bằng len merinos để mặc buổi đêm, mũ len và găng tay.
  • Giày leo núi chuyên dụng (loại đế chống trơn trượt do địa hình đi qua vùng ẩm như hồ và vào thời điểm mùa thu có khả năng có tuyết ở một số đoạn trên cung đường).
  • Gậy leo núi.
  • Bình ga và bếp ga chuyên dụng kèm nồi, ly, thìa dĩa.
  • Đồ ăn tối (các túi đồ ăn khô có lượng kcal ít nhất 600 kcal/người), đồ ăn sáng (granola và sữa bột), đồ ăn vặt để cung cấp năng lượng (thanh năng lượng, hạt khô, viên năng lượng hoà với nước, trà, cà phê, aeropress để pha cà phê).
  • Ít nhất 2L nước mỗi người do cung đường không có điểm cấp nước. Hoặc có thể mang ít nước hơn nếu dùng viên khử trùng/đầu lọc nước để lọc nước tự nhiên (nên lấy ở các đoạn suối, thác nhỏ có dòng chảy, nếu có thể tránh lấy nước ở các mảng hồ tĩnh, tù đọng)
  • Đèn đeo trán.
  • Pin dự phòng cho điện thoại.
  • Kính râm, kem chống nắng, túi đồ y tế dự phòng: băng gạc, các loại thuốc cơ bản như hạ sốt, đau bụng…

Lưu ý quan trọng là đi lên núi hay vào khu vực thiên nhiên hoang dã, dù bất kể ở thời điểm nào trong năm thì thời tiết vẫn luôn chiến thắng con người nhỏ bé, nên mọi người cần chú ý theo dõi thật kỹ dự báo thời tiết trước khi bắt đầu hành trình, và nên biết dừng lại hoặc hoãn chuyến đi nếu có dự báo thời tiết không thuận lợi nhé!

Bài viết của mình trên chuyên mục Du lịch vào mùa thu từ 2 năm trước, hôm nay mình post lại kèm theo một số thông tin cụ thể hơn về cung đường này để các bạn chuẩn bị cho một chuyến leo núi mùa thu thật mê giữa những ánh vàng rực rỡ nhé! ^^

Leave a comment